top of page
Recent Posts
Trần Tuấn Anh, ISET-Việt Nam

Toàn cảnh về dự án nhân rộng mô hình nhà chống bão tại Quảng Trị, miền Trung Việt Nam


Ảnh: Tran Tuan Anh, ISET-Việt Nam

Dự án được thực hiện từ tháng 3/2018 đến tháng 3/2019 nhằm nâng cấp nhà ở của các hộ nghèo và cận nghèo sinh sống tại những khu vực dễ bị tổn thương ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Tổng cộng 32 hộ được hưởng lợi từ dự án ở 4 phường của thành phố Đông Hà là Đông Thanh, Đông Giang, Đông Lương và phường 4. Dự án được tài trợ bởi Viện chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET) trong khuôn khổ chương trình ACCCRN tại Việt Nam

Ngày 1 tháng 3 năm 2019, Hội Phụ Nữ tỉnh Quảng Trị phối hợp với ISET đã tổ chức hội thảo cuối kỳ để đánh giá một năm thực hiện dự án, xem xét những ưu và nhược điểm trong quá trình thực hiện và rút ra kinh nghiệm và bài học cho những bước tiếp theo nhằm triển khai mô hình nhà chống bão tới các gia đình khác cần sự hỗ trợ. Dự án được đánh giá cao bởi chính quyền tỉnh và địa phương, cùng các sở ban ngành liên quan bởi ý nghĩa mà dự án mang lại và những hiệu ứng tích cực tới các hộ dân ở Đông Hà nói riêng và người dân Quảng Trị nói chung. Dù hạn chế về tài chính, dự án đã có tầm ảnh hưởng lớn đối với nhận thức và hành động về xây dựng và cải tạo nhà ở tại địa phương. Vấn đề an toàn và giảm thiểu rủi ro thiên tai nay được chú ý nhiều hơn là thẩm mỹ—một yếu tố trước đây thường được đặt nặng hơn những vấn đề liên quan đến an toàn trong thực tiễn xây dựng nhà cho các hộ thu nhập thấp. Theo lời của đại diện chính quyền thành phố Đông Hà, dự án này đóng vai trò là một trong những dự án tiên phong về khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu với sự lồng ghép các phương pháp đảm bảo an toàn và cải thiện nhà ở của các hộ thu nhập thấp. Do đó, dự án đã tác động mạnh đến quan điểm của không chỉ các hộ hưởng lợi mà còn cả các bên liên quan khác tại thành phố Đông Hà.

Với khoản vay 25 triệu đồng cho mỗi hộ sửa chữa và 35 triệu đồng cho mỗi hộ xây mới, các hộ hưởng lợi còn huy động thêm các nguồn tài chính khác, ví dụ như từ người thân (chiếm 12% tổng chi phí cải thiện nhà). Quan trọng hơn, dự án huy động sự đóng góp lớn từ các hộ hưởng lợi dưới hình thức tiền mặt (36%) và nhân công (14%). Thêm vào đó, dự án đã huy động được sự đóng góp nhiều nguồn tại địa phương như Quỹ Đại Đoàn Kết (4%) và Đoàn Thanh Niên (2%). Những con số trên cho thấy tác động tích cực của dự án ISET đến việc huy động các nguồn tài chính khác nhau tại địa phương để cùng hỗ trợ nâng cấp nhà ở hướng tới nâng cao khả năng chống chịu cho các hộ nghèo và cận nghèo.

Dự án của ISET đưa ra các kiểu nhà chống bão khác nhau do hiện trạng của các căn nhà cũ cũng khác nhau, và sự khác nhau trong nhu cầu và khả năng đóng góp của từng hộ. Tuy nhiên, các hộ cũng phải tuân thủ một vài nguyên tắc xây dựng chủ chốt để đảm bảo khả năng chống chịu với BĐKH. Với các hộ xây mới, một căn phòng kiên cố với hệ khung và sàn khép kín làm bằng bê tông cốt thép cần được đưa vào kết cấu của ngôi nhà. Với nhà cải tạo, tuỳ vào hiện trạng từng ngôi nhà, phần tường và mái được đánh giá cẩn thận bởi kiến trúc sư địa phương có kinh nghiệm để xác định được phần nào cần được đưa vào kết cấu có sẵn và/hoặc phần nào cần được gia cố để tăng sự an toàn cho ngôi nhà. Tất cả các giải pháp kỹ thuật đề ra cho mỗi hộ được thảo luận với chủ nhà trước đó để họ có thể hiểu rõ và đồng ý trước khi bắt đầu xây mới hoặc cải tạo nhà.

Dự án cũng đưa ra một số vấn đề quan trọng cần được xem xét khi thực thi các chương trình về nhà ở trong tương lai tại tỉnh Quảng Trị. Đầu tiên là tính cần thiết phải cải thiện sự trao đổi và hợp tác giữa các bên tham gia vào dự án, đặc biệt là giữa các đối tác kỹ thuật được thuê và bên đứng thuê (ví dụ như HPN). Thứ hai là tầm quan trọng của việc tổ chức các buổi phổ biến thông tin và tập huấn theo cách mà phía địa phương có thể hiểu và thực hiện được. Việc này giúp các bên liên quan ở địa phương và các hộ dễ bị tổn thương có thể nhận thức được đầy đủ vai trò của nhà chống bão trong vấn đề giảm nghèo và ổn định cuộc sống cho các gia đình. Thứ ba là sự cần thiết phải có các giải pháp thiết kế nhà chống bão linh hoạt để các hộ gia đình khác nhau, tuỳ điều kiện và khả năng kinh tế, có thể lồng ghép các phương pháp an toàn trong quá trình cải tạo nhà. Thêm vào đó, dự án cũng đã chỉ ra một số bất cập trong công tác trao đổi thông tin trong hệ thống của HPN khi các nhân viên cấp dưới đôi khi chưa thực sự hiểu rõ mục đích và định hướng, phương pháp và cách thức thực hiện cũng như kết quả mong đợi của dự án, khiến họ có thể truyền đạt thông tin chưa đầy đủ, thậm chí chưa chính xác tới các nhóm địa phương và các hộ hưởng lợi. Điều này dễ dẫn tới các hộ thuộc đối tượng rủi ro cao hiểu chưa đúng về dự án và đôi khi khiến các hộ gia đình có nhu cầu lại không đăng ký tham gia.

Nhìn chung, dự án đã tạo nên được những tác động tích cực tới tỉnh Quảng Trị nói chung và thành phố Đông Hà nói riêng. Hội thảo tổng kết dự án đã được cả các cơ quan nhà nước và đơn vị tư nhân đánh giá cao về tầm quan trọng và tính thiết yếu trong việc thay đổi nhận thức và hành động của người dân trong việc cải thiện nhà ở. Dự án cũng giúp tăng cường năng lực của cán bộ địa phương, cụ thể là trong hệ thống của HPN, trong việc vận hành và quản lý các chương trình về nhà an toàn đi đôi với các phương án tài chính vi mô về nhà ở. Hơn nữa, 32 ngôi nhà đã được xây mới và cải tạo theo các nguyên tắc nhà chống bão cũng là những bài học quý giá cho các hộ dân sinh sống xung quanh khi cần xây mới hoặc sửa lại ngôi nhà của họ.

bottom of page